Ta sẽ lại nhận thấy sự sử dụng các phần tử kiến trúc như “khối” và “tường” để tạo lập không gian trong hai công trình của KTS Shiregu Ban sau đây. Khác với hai công trình của KTS Gary Chang có thể nói dựa trên tính ứng dụng “kỹ thuật” khi làm chuyển động các phần tử kiến trúc. Ở đây hai công trình của KTS Shiregu Ban hoàn toàn đến từ tính truyền thống.
Sự linh hoạt trong vấn đề khai thác không gian theo chiều ngang và chiều dọc còn được nhân lên bởi chiều cao khi mái của các khối nhỏ trở thành bản sàn trung gian. Mục đích của kiến trúc vẫn phải mang lại các cảm xúc mới cho con người.
Kiến trúc sư Shiregu Ban được coi như người tiếp nối thế hệ đi trước như Tadao Ando và Toyo Ito. Ông là một trong những kiến trúc sư ít ỏi của Nhật Bản có thể xây dựng trên đất châu Âu. Trung tâm nghệ thuật hiện đại Pompidou tại thành phố Metz của Pháp được ông thiết kế vừa hoàn thành năm 2010 nằm trong những công trình tiêu biểu đầy tính sáng tạo đã đưa ông lên ngang hàng các kiến trúc sư đương đại đứng đầu thế giới hiện nay.
Khác với Tadao Ando cũng như nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế hệ trước, những công trình của KTS Shiregu Ban không muốn tìm đến một kiểu “dấu ấn” riêng thông qua hình thái kiến trúc hay một vật liệu cụ thể. Mỗi công trình của ông luôn muốn tìm đến một cách biểu hiện với những nguyên lý hoàn toàn mới lạ thông qua hệ kết cấu cũng như vật liệu. Điều mà ông quan tâm nhất là luôn luôn đặt câu hỏi một cách sâu sắc thế nào là “tiêu chuẩn” trong kiến trúc? Nó thực sự có tồn tại hay không?
Ngôi nhà “không tường” được ông thực hiện năm 1996 ở tỉnh Nagano nằm trên một thửa đất dốc. Lợi dụng độ dốc này mà bức tường phía đáy nhà, phần tử nối liền liên tục giữa mái và sàn, được đặt nghiêng tì vào thành dốc. Vì vậy mà hầu hết toàn bộ tải trọng của ngôi nhà truyền trực tiếp vào đây, để lại ba cột thép rất nhỏ ở phía trước chỉ chịu lực theo phương thẳng đứng. Với cách thể hiện như vậy đã đánh mất đi cảm giác kết cấu của ngôi nhà. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tác giả đã xoá bỏ đi tất cả các phần tử kiến trúc trong nhà. Vẫn bố trí bếp và các thiết bị vệ sinh trên mặt bằng nhưng toàn bộ tường trong nhà được biến thành các tấm cửa trượt, chỉ khi nào cần sử dụng thì mới khép kín lại. Ngôi nhà bị mất đi tất cả các “dấu hiệu” thường gặp của một ngôi nhà bình thường. Lúc đó kiến trúc như bị xoá bỏ, chỉ còn giá trị nghệ thuật là tồn tại ở lại. Ngôi nhà như một tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật xếp đặt (installation).
Điểm nhìn ở một đầu nhà nơi có phòng tắm hướng ra sân. Sự thành công của một công trình cũng phụ thuộc rất nhiều vào cấu tạo chi tiết kiến trúc.
Thực ra thì những tấm cửa trượt không còn lạ gì với người Nhật Bản, điều quan trọng là thể hiện chúng như thế nào. Đó là câu hỏi về “tiêu chuẩn” trong kiến trúc mà KTS Shiregu Ban không muốn bị dập khuôn theo một “hình mẫu” nào. Cùng với tư tưởng như vậy ngôi nhà ống xây tại tỉnh Saitama năm 2000 cũng muốn vượt qua các giới hạn về chuẩn mực.
Ngôi nhà được thiết kế trên vùng đất nông nghiệp cho một gia đình, nơi cùng chung sống cả ba thế hệ gồm bố mẹ, hai con trai gái và bà ở tuổi 75. Yêu cầu của chủ nhà đã hấp dẫn KTS Shiregu Ban ngay từ ban đầu khi họ mong muốn tính tư hữu chỉ có tối thiểu nhưng tất cả các thành viên trong gia đình sống không thể tách biệt nhau. Ngôi nhà phải tạo cho mọi người sự tự do hoạt động cá nhân trong môi trường tập thể, ở giữa một gia đình đoàn kết.
Ý tưởng thiết kế có thể coi như một ngôi nhà lớn chứa đựng những ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà lớn là một không gian đa chức năng có dạng hình ống với 25m chiều dài và 6,7m chiều rộng. Với hệ kết cấu khung gỗ đã tạo cho mặt bằng của ngôi nhà hoàn toàn giải phóng. Vật liệu tường nhà được tổ hợp bởi ba lớp, lớp ngoài được làm bằng chất liệu sợi thủy tinh và plastic, lớp trong là các tấm nylon mờ có thể tháo ra để giặt khi cần thiết. Ở giữa hai lớp là các túi plastic chứa khí để tránh nhiệt. Sự tổ hợp của các lớp tường đã tạo ra một âm hưởng rất nhẹ nhàng trong nhà khi ánh sáng truyền qua. Cách lấy ánh sáng đó làm cho chúng ta liên tưởng tới những tấm cửa trượt bằng giấy mờ của kiến trúc truyền thống Nhật Bản.
Các tấm nylon mờ bên trong có thể tháo ra để giặt. Các phần tử kiến trúc “tạm thời” là đặc tính rất riêng của kiến trúc truyền thống Nhật Bản.
Điều đặc biệt nhất là toàn bộ tổ chức không gian bên trong ngôi nhà. Bốn ngôi nhà nhỏ được dành cho từng cá thể. Dựa trên số đo của tấm chiếu tatami truyền thống (90 x 180cm), hai khối nhỏ dành cho hai con có kích thước 2,7 x 2,7m, còn hai khối to dành cho người lớn có kích thước 2,7 x 3,6m. Bốn khối này được đặt trên các bánh xe nên có thể di chuyển tại bất kỳ nơi nào mà chủ nhân mong muốn. Hơn nữa chúng chúng có thể được sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau. Chúng có thể là phòng ngủ, phòng chơi hay phòng hóng mát khi được kéo ra ngoài sân. Ngoài vị trí đơn lẻ, chúng cũng có thể tổ hợp với nhau theo nhiều dạng để tạo ra những không gian lớn hơn, sinh động hơn. Ta gặp lại ở đây một lần nữa nguyên lý “dàn cảnh” đã được thấy ở ngôi nhà nghỉ của KTS Gary Chang. Sự linh hoạt trong vấn đề khai thác không gian theo chiều ngang và chiều dọc còn được nhân lên bởi chiều cao khi mái của các khối nhỏ trở thành bản sàn trung gian. Các điểm nhìn ở trong nhà luôn luôn được thay đổi theo mọi hướng. Chung quy lại ngôi nhà như đã đạt tới sự “cực điểm” của phạm trù tự do.
Với sức sáng tạo đưa ra những ý tưởng “táo bạo” cho cấu trúc không gian cũng như vật liệu, nhưng vẫn không quên đi các giá trị truyền thống và đặc biệt mang đậm tình người, ngôi nhà đã mang lại cho KTS Shiregu Ban giải thưởng “Ngôi nhà xuất sắc nhất thế giới” năm 2002 của hội World Architecture Awards.
Đầu thế kỷ 20 hai kiến trúc sư hiện đại Le Cobusier và Mise van der Rohe đưa ra những khái niệm như “bộ phận nội tạng” hay “khớp nối” để miêu tả các phần tử kiến trúc “khối” và “tường” trong mặt bằng tự do. Điều đó đã gây ra một sự đảo lộn lớn trong hệ tư tưởng của kiến trúc cổ điển. Tiếp bước tinh thần truyền thống hiện đại đó, hai kiến trúc sư Shiregu Ban và Gary Chang mong muốn đi xa hơn khi làm các phần tử này chuyển động trên mặt bằng. Tư tưởng hiện đại không có giới hạn về biên giới, không phân biệt trong nước hay nước ngoài. Hiện đại không chỉ luôn luôn ở trong đầu những người làm công tác sáng tạo mà còn phải đi vào tiềm thức của những người mong mỏi hướng về tương lai.
Ngôi nhà “không tường” (1996). Sự nắm vững nguyên lý kết cấu rất quan trọng trong sự phát triển ý tưởng hình thái kiến trúc. Các phần tử kiến trúc hầu như không tồn tại, kiến trúc bị xoá bỏ chỉ có nghệ thuật là tồn tại. Ngôi nhà như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.
Mô hình nhà ống cũng hoàn toàn xây dựng được trên vùng đất nông nghiệp. Sự sử dụng vật liệu đặc biệt của ngôi nhà đã biến nó trở thành một điểm sáng trong khu vực khi trời tối. / Không gian trong nhà có thể hoàn toàn trống rỗng, bố cục mặt bằng hoàn toàn tự do. Không gian trở thành đa chức năng phù hợp với bất kỳ công năng nào. Sự gia cố của các ống thép cho kết cấu gỗ tạo ra một hình thái đặc biệt cho ngôi nhà, mối liên hệ chặt chẽ giữa kết cấu và hình thái kiến trúc.
Bếp là đồ vật duy nhất không di chuyển được trong không gian. Nhưng ý tưởng cho sự linh hoạt vẫn được khai thác đến tận cùng khi không gian bếp được đóng mở bởi một tấm riđô. / Kích thước của các ngôi nhà nhỏ được dựa trên sự tổ hợp của tấm chiếu tatami truyền thống (90 x 180cm). Hình dưới trái Mặt bằng biểu thị các trường hợp sắp đặt của các ngôi nhà nhỏ, chúng có thể được kéo ra cả ngoài sân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét